HỘI NGHỊ TUYÊN TRUYỀN VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY; TUYÊN TRUYỀN LUẬT PHÒNG CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH NĂM 2022
Thực hiện sự chỉ đạo của UBND quận Lê Chân và Kế hoạch số 11/KH-UBND ngày 15 tháng 02 năm 2024 của UBND phường Vĩnh Niệm về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải cơ sở; xây dựng phường chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2024 và Kế hoạch số 18/KH-UBND ngày 14/3/2024 về tuyên truyền cải cách hành chính.
Chiều ngày 31/5/2024, phường Vĩnh Niệm tổ chức hội nghị Tuyên truyền về một số vấn đề về cải cách hành chính, những vấn đề đặt ra trong giai đoạn hiện nay; tuyên truyền luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 tới toàn thể cán bộ, công chức phường; cán bộ cơ sở tổ dân phố trên địa bàn phường Vĩnh Niệm
Dự hội nghị có các đồng chí: Phạm Thị Liên - Thạc sỹ, giảng viên khoa Nhà nước và Pháp luật trường Chính trị Tô Hiệu; đồng chí Hoàng Minh Tiệp – Bí thư Đảng ủy phường; các đồng chí lãnh đạo UBND, UBMTTQ Việt Nam phường.
1. Tại hội nghị, các đại biểu được nghe đồng chí Phạm Thị Liên - Thạc sỹ, giảng viên khoa Nhà nước và Pháp luật trường Chính trị Tô Hiệu, báo cáo viên hội nghị truyền đạt các nội dung cơ bản về Luật phòng chống bạo lực gia đình cụ thể:
- Ngày 14 tháng 11 năm 2022, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV đã thông qua, một lần nữa lên án và có chế taì cụ thể trong vấn đề bạo lực gia đình . Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 gồm 6 chương, 56 điều, quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình; điều kiện bảo đảm phòng, chống bạo lực gia đình; quản lý Nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong phòng, chống bạo lực gia đình. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023. Đồng chí đã minh chứng cụ thể các hành vi bạo lực gia đình trên toàn quốc cũng như một số vụ tiêu biểu của thành phố để từ đó nêu ra cách thức phòng, chống bạo lực gia đình tới hội nghị.
- Tại hội nghị, đồng chí báo cáo viên đã nêu ra vấn đề cấp thiết của sự ra đời của Luật, ý nghĩa của Luật là đánh dấu một bước phát triển mới quan trọng trong công tác bảo vệ và phòng chống bạo lực gia đình; Việc thực hiện Luật sẽ tác động tích cực đến đời sống xã hội, tạo cơ sở pháp lý toàn diện, đầy đủ và vững chắc cho hoạt động hòa giải ở cơ sở đi vào nề nếp, thống nhất và hiệu quả, qua đó khẳng định vị trí và vai trò quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở trong đời sống xã hội; đồng thời sẽ luật sẽ là cơ sở để đảm bảo công bằng trong gia đình, vì một gia đình không có bạo lực sẽ là tế bào tốt để xã hội phát triển.
2. Báo cáo viên còn phổ biến về “Một số vấn đề về Cải cách hành chính và những vấn đề đặt ra trong giai đoạn hiện nay":
- Cải cách hành chính ở nước ta được triển khai đồng bộ, bài bản từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg ngày 17/9/2001 phê duyệt Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010 và tiếp theo đó là Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 được ban hành theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ. Gần đây nhất là Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030.
- Về kết quả PAR INDEX 2023 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đồng chí nêu rõ về chỉ số cải cách hành chính được đánh giá qua hàng năm của thành phố Hải Phòng và năm 2023 được đánh giá đứng thứ 2 trên tổng 63 tình thành phố trên toàn quốc
- Về Chỉ số SIPAS tăng - thúc đẩy quyết tâm cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ: Thông tin tại Hội nghị công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023 (SIPAS) cho biết, Người dân hài lòng đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước nói chung trong cả nước năm 2023 (SIPAS 2023) ở mức 82,66%, tăng so với năm 2022 (80,08%). Mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước ở 63 tỉnh, thành phố nằm trong khoảng 75,03- 90,61%. Có 5 tỉnh, thành phố nhận được mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước nói chung cao nhất là: Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hải Dương, Hà Tĩnh và Hải Phòng; 5 địa phương thấp nhất là: Bắc Kạn, Bình Phước, Cao Bằng, Bắc Ninh và Quảng Nam. Năm 2023 là năm thứ hai triển khai đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước ở cả nội dung xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách công và cung ứng dịch vụ hành chính công (từ 2021 trở về trước chỉ tập trung ở nội dung cung ứng dịch vụ hành chính công). Chín nhóm chính sách công quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân được lựa chọn để người dân đánh giá, bao gồm: Chính sách phát triển kinh tế; chính sách khám, chữa bệnh; chính sách giáo dục phổ thông; chính sách nước sinh hoạt; chính sách điện sinh hoạt; chính sách trật tự, an toàn xã hội; chính sách giao thông đường bộ; chính sách an sinh, xã hội và chính sách cải cách hành chính nhà nước. Đối với dịch vụ hành chính công, người dân đánh giá các dịch vụ nói chung được cung ứng tại Trung tâm Phục vụ hành chính công, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả các cấp ở địa phương.
- Kết quả Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023: Theo bảng xếp hạng chỉ số PCI năm 2023 được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố vào sáng 9-5 tại Hà Nội, với 70,34 điểm, Hải Phòng xếp vị trí thứ 3/63 tỉnh, thành phố, xếp thứ 2/11 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng. Đây là năm thứ 3, Hải Phòng nằm trong top 3, đồng thời là năm thứ 6 nằm trong top 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế dẫn đầu cả nước.
- Cũng tại hội nghị đồng chí báo cáo viên cung cấp cho hội nghị hiểu rõ cải cách hành chính là quá trình thay đổi thể chế, tổ chức bộ máy, nguồn lực (nhân lực, tài lực và cơ sở vật chất khác) và cách thức hoạt động nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ công, từ đó phục vụ nhân dân và xã hội ngày một tốt hơn. Nêu vấn đề vì sao cần thay đổi, hoàn thiện các yếu tố cấu thành của nền hành chính, trọng tâm thực hiện cải cách hành chính theo từng thời kỳ.
- Đồng chí cũng nêu một số vấn đề trong cải cách hành chính ở nước ta cụ thể nằm trong việc cải cách hành chính là một tiến trình liên tục về hệ thống quy định của pháp luật và các hoạt động của người dân; vì vậy việc cải cách hành chính cần bảo đảm tính đồng bộ việc CCHC với các cuộc cải cách khác trong hệ thống chính trị. Đồng thời, cần thực hiện với đề án văn hóa công vụ được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1847/QĐ-TTg, công chức cần thực hiện 3 không (Không phiền hà, sách nhiễu; không yêu cầu bổ sung hồ sơ quá 1 lần; không trễ hẹn theo quy định), 4 xin-4 luôn (Xin chào-Xin lỗi-Xin cảm ơn-Xin phép; Luôn mỉn cười-luôn nhẹ nhàng-luôn thấu hiểu-luôn giúp đỡ);
Việc CCHC nước ta hiện nay đi cùng với cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số đây là xu hướng toàn cầu hóa; nên yêu cầu đối với cải cách hành chính ở cơ sở cần: Thứ nhất là tiến hành theo nội dung của chương trình cải cách quốc gia, theo các Nghị quyết của cấp ủy đảng các cấp. Thứ hai là đảm bảo thực hiện đúng quan điểm, phương pháp, giải pháp đã đề ra trong các Quyết định, Đề án, kế hoạch, chương trình CCHC của Chính phủ, thành phố, quận, phường để đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, sự phát triển của thành phố, của quận; cần tiến hành đồng bộ, vững chắc, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương. Thứ ba là góp phần xây dựng chính quyền điện tử, một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, hiện đại; đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập kinh tế quốc tế; Phát huy dân chủ trong đời sống xã hội; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực và sự tham gia của mọi người dân.
Việc tổ chức Hội nghị triển khai, phổ biến Luật phòng chống bạo lực gia đình và thông tin về “Một số vấn đề về Cải cách hành chính và những vấn đề đặt ra trong giai đoạn hiện nay" là việc rất quan trọng và cấp thiết nhằm truyền tải và triển khai kịp thời, nghiêm túc, đồng bộ, thống nhất, có hiệu quả các quy định mới của pháp luật tại địa phương. Cũng như trang bị những kiến thức cơ bản đến đội ngũ cán bộ, công chức phường, các bác cán bộ tổ dân phố là rất quan trọng bởi đây là lực lượng góp phần vào thành công của công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn phường, các nội dung mới trong cải cách hành chính, dịch vụ công trực tuyến và một số nội dung gắn với chuyển đổi số… từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đặc biệt là công tác hòa giải ở cơ sở, đồng thời nâng cao nhận thức và hành động thực thi pháp luật của cán bộ, công chức phường.


